GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO THANH, THIẾU NIÊN TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓA- YÊU CẦU CẤP THIẾT HIỆN NAY

bởi quản trị viên | Ngày đăng: 30-07-2018


GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO THANH, THIẾU NIÊN

TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓA- YÊU CẦU CẤP THIẾT HIỆN NAY

 

Đặt vấn đề

Toàn cầu hoá hiện đang là xu thế tất yếu, khách quan, tác động mạnh mẽ tới tất cả các quốc gia, dân tộc, đến đời sống xã hội của cả cộng đồng nhân loại, cũng như cuộc sống của mỗi con người. Có thể nói quá trình toàn cầu hóa tác động khá mạnh mẽ đến đối tượng thanh thiếu niên- là đối tượng “nhạy cảm” - cả về  những cơ hội  cũng như những thách thức của quá trình toàn cầu hóa mang lại.

Điều cần nhấn mạnh là ở chỗ, cơ hội mà toàn cầu hóa đem lại cho các nước khác nhau, các dân tộc khác nhau không phải lúc nào cũng như nhau. Xét một cách đại thể, các nước phát triển hơn về kinh tế, giàu có hơn sẽ được chia sẻ cơ hội nhiều hơn các nước nghèo. Điều đó cũng có nghĩa là, toàn cầu hóa sẽ đem lại cho các nước nghèo, đang phát triển nhiều thách thức hơn so với cơ hội. Theo bảng xếp hạng của UNDP năm 2011 về chỉ số phát triển con người (HDI), Việt Nam được xếp thứ 128/187 nước, là nước có chỉ số trung bình và nằm ở nhóm nước đang phát triển (1) .Vì vậy, những thách thức trong quá trình toàn cầu hóa đối với nước ta là hết sức lớn.

Đảng ta luôn xác định thanh thiếu niên chính là lực lượng chiến lược của quốc gia trong quá trình xây dựng và phát triển của đất nước, nhưng đây cũng chính là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn bởi những thách thức của quá trình toàn cầu hóa. Tại Nghị quyết hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 (khóa VII), đã nêu: “thanh niên là lực lượng xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ 21 có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không, phần lớn tùy thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ thanh niên; Công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng...”. Báo cáo văn kiện Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ X cũng nêu:“đối với thế hệ trẻ, thường xuyên giáo dục chính trị, truyền thống, lý tưởng, đạo đức và lối sống; tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đồng thời, Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tiếp tục khẳng định “xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam có ý thức chấp hành pháp luật…”. Trên cơ sở chủ trương, chính sách nêu trên của Đảng, tại điều 2 luật Giáo dục cũng nêu rõ: “Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Trong những năm qua, nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện “chân, thiện, mỹ” thì công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên luôn được Nhà nước quan tâm, ban hành nhiều văn bản, đề án, chương trình về phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó thanh thiếu niên luôn được xác định là đối tượng chính, đặc biệt là Quyết định số 2106/QĐ-TTg ngày 26/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011 – 2015 với mục tiêu cụ thể:

+ 80% thanh thiếu niên tự do, sinh sống, lao động tại địa bàn cư trú được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực liên quan đến quyền, nghĩa vụ và đời sống, công việc của từng đối tượng, từng địa bàn;

+ 100% thanh thiếu niên trong trường học được phổ biến chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống, công việc học tập phù hợp với lứa tuổi của các em;

+ 80% thanh thiếu niên vi phạm pháp luật được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật, hạn chế tái vi phạm pháp luật và tạo điều kiện hòa nhập tốt với cộng đồng;

+ 70% thanh niên lao động ở nước ngoài được thông tin, phổ biến các quy định pháp luật Việt Nam và pháp luật nước sở tại trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, đời sống, công việc.

  1. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên

1.1 Những thành tựu đạt được

Thực tiễn cho thấy công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên được triển khai rộng rãi dưới nhiều hình thức đa dạng, thiết thực. Mỗi năm có gần 10 triệu lượt thanh niên được giáo dục pháp luật thông qua 20.000 buổi tuyên truyền, học tập, sinh hoạt và các hoạt động khác. Các Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm”, “Tuổi trẻ với pháp luật” hoặc “Thanh niên với pháp luật” được thành lập ở tất cả các địa phương trong cả nước. Đến nay có khoảng 11.000 Câu lạc bộ được thành lập với hàng triệu thanh niên tham gia; việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong câu lạc bộ thường được thực hiện thông qua buổi họp, sinh hoạt câu lạc bộ hoặc tổ chức giao lưu, sinh hoạt văn hóa hay nêu gương người tốt, việc tốt trong phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, phân tích những hành vi cực đoan, vi phạm pháp luật ảnh hưởng xấu đến bản thân, gia đình và cộng đồng. Đồng thời, đoàn viên thanh niên ở cơ sở còn là thành viên của Đội thanh niên xung kích, tham gia tuần tra, canh gác, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn cùng lực lượng Công an xã, phường; tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, kiềm chế ùn tắc giao thông cùng lực lượng Cảnh sát giao thông. Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương chú trọng việc sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến pháp luật; in các tài liệu pháp luật và cấp phát cho đoàn viên, thanh niên; tổ chức các chiến dịch, đợt cao điểm nhằm hướng thanh niên tham gia vào các hoạt động giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội (mại dâm, ma túy, cờ bạc, đua xe trái phép...).

Qua những hoạt động thiết thực trên cho thấy những kết quả tích cực, nhận thức pháp luật của thanh thiếu niên đã nâng cao, ý thức chấp hành pháp luật trong thanh niên đã có nhiều chuyển biến. Đặc biệt, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đạt hiệu quả cao khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa xã hội, nhà trường và gia đình với các cơ quan truyền thông, các Sở, ban, ngành của địa phương để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên.

1.2.Còn nhiều thanh thiếu niên vi phạm pháp luật

Mặc dù các cơ quan, tổ chức, các cấp Đảng, chính quyền đã có nhiều nỗ lực để phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên, nhưng hiệu quả của công tác này còn chưa cao. Tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật vẫn tiếp tục xảy ra, tập trung vào một số lĩnh vực về an toàn giao thông, trộm cắp, ma túy, hôn nhân - gia đình, xâm phạm sở hữu, sức khỏe, tính mạng… Trong 5 năm trở lại đây có 47.000 vụ phạm pháp hình sự do học sinh, sinh viên gây ra; tỷ lệ không chấp hành an toàn giao thông ở bậc trung học phổ thông chiếm đến 70% số thanh thiếu niên các bậc học vi phạm pháp luật về an toàn giao thông. Trong số 5.746 vụ về trật tự xã hội xảy ra 6 tháng đầu năm 2008, có khoảng 9.000 người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự (tăng 2% số vụ so với cùng kỳ năm 2007), một số vụ án dã man gây rúng động xã hội kẻ phạm tội đều đang trong dộ tuổi thanh thiếu niên như vụ Nguyễn Đức Nghĩa, Lê Văn Luyện, Hồ Duy Trúc... Theo tổng kết của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an), trong 6 tháng đầu năm 2011, Tổng cục đã xử lý 15.000 vụ phạm pháp hình sự, xử lý trên 22.000 đối tượng, trong đó có hơn 75% là thanh niên(2). Ngoài xã hội thì hiện tượng một số thanh  thiếu niên sử dụng thuốc lắc, ma túy, xem và lưu giữ phim ảnh đồi trụy, hành xử theo kiểu giang hồ, xã hội đen, sẳn sàng lao vào nhau đánh, chém dù chỉ xuất phát từ  mâu thuẫn nhỏ (như chỉ từ một cái nhìn ”đểu”, từ một vụ va chạm khi đang tham gia lưu thông trên đường…); trong gia đình thì bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em; trong nhà trường thì vấn nạn bạo lực học đường cũng đang diễn ra nóng hơn bao giờ hết, khi lên google gõ thuật ngữ “bạo lực học đường” chỉ 0,24 giây cho ra 727.000 kết quả, nhiều hơn thuật ngữ “giáo dục pháp luật” là 0,38 giây với 598.000 kết quả, đây không còn là hiện tượng hy hữu nữa mà thực sự đang là nỗi lo của toàn xã hội.

Riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh – nơi tập trung nhiều thanh thiếu niên từ các tỉnh, thành khác về học tập, lao động, sinh sống trên địa bàn thành phố. Theo thống kê của các cơ quan tư pháp, tỷ lệ thanh thiếu niên phạm pháp chiếm khoảng 50% số các vụ việc vi phạm pháp luật(3). Ở thành phố Hồ Chí Minh, theo đánh giá của Thành đoàn thành phố thực trạng tội phạm ma túy trong thanh thiếu niên ngày càng gia tăng với mức độ nghiêm trọng và tích chất nguy hiểm hơn, nhóm tội phạm liên quan đến ma túy ngày càng trẻ, đối tượng từ 18- 30 tuổi chiếm gần 65% trong số tội danh liên quan đến ma túy(4). Năm 2011 có 702 vụ vi phạm pháp luật do trẻ vị thành niên gây ra (chiếm 18,82%) với 1.156 đối tượng (chiếm 23,69%) trong số 3.730 vụ phạm phạm hình sự được Công an thành phố khám phá; năm 2010 có 1.235 đối tượng dưới 18 tuổi (chiếm 24,77%), 2.735 đối tượng tuổi từ 18 đến 30 (chiếm 54,86%) trong số 4.985 đối tượng bị công an bắt và xử lý.(5)

1.3. Nguyên nhân của tình hình vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên

Thực trạng nêu trên do nhiều nguyên nhân, như vốn sống và và hiểu biết xã hội của thanh niên còn hạn chế; khả năng tiếp nhận thông tin nhanh nhưng ít chọn lọc và dễ bị kích động, lôi kéo, lợi dụng; đồng thời tình trạng thanh niên khó khăn trong cuộc sống, thất nghiệp, chưa có việc làm, lao động nông nhàn ra thành phố kiếm sống, quá trình đô thị hóa phát triển nhanh, quá trình hội nhập, giao lưu kinh tế  - văn hóa - xã hội không ngừng tăng nhưng chưa có sự chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt đã có tác động xấu đến lối sống của một bộ phận thanh niên trong việc chấp hành pháp luật.

Do thiếu hiểu biết về pháp luật của thanh thiếu niên, thể hiện công tác phổ biến, giáo dục ý thức pháp luật ngoài xã hội và trong nhà trường cho thanh  thiếu niên chưa thực sự có hiệu quả. Chúng ta biết rằng môn giáo dục công dân ở các cấp học phổ thông về thực chất là giáo dục con người, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ. Nhưng giáo dục như thế nào để hiệu quả, giáo dục như thế nào là đủ, là đúng thì chúng ta vẫn chưa có câu trả lời chính xác! Đồng thời, môn học Giáo dục đạo đức, giáo dục công dân trong chương trình hiện hành còn hạn chế ở chỗ càng lên lớp cao nội dung càng giảm. Ở tiểu học, học sinh được học 1 tiết/tuần; THCS được học 0,5 tiết/tuần, nhưng lên đến THPT chỉ được học 15 tiết trong 3 năm và chỉ tập trung học ở lớp 10 (lớp 11, 12 không được học). Giáo viên được phân công giảng dạy môn học này hầu hết là tay ngang, thậm chí có trường khi không bố trí được giáo viên làm việc gì thì cho đi dạy môn Giáo dục công dân. Cả giáo viên và học sinh khi học môn Giáo dục công dân đều coi đó là “môn phụ”, “dạy và học cho có”, thậm chí ”không biết học môn này để làm gì”!. Đối với môn học Pháp luật đại cương được dạy ở các trường cao đẳng, đại học không chuyên luật thì việc dạy và học cũng chưa tạo được hứng thú cho sinh viên, còn có trường không có môn học này trong chương trình các môn chung bắt buộc đối với sinh viên.

  1. Một số giải pháp:

Để có thể đạt được những kết quả như mong muốn, công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho thanh thiếu niên phải được xác định “là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị”. Để công tác này thực sự có hiệu quả, cần thực hiện một số giải pháp sau:

- Nâng cao nhận thức của cấp ủy, lãnh đạo địa phương, nhà quản lý giáo dục về vị trí, vai trò của thanh thiếu niên và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên trước yêu cầu của thời kỳ toàn cầu hóa và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

- Các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên cần được triển khai thường xuyên, thực chất, có kế hoạch, có phương pháp phù hợp, phải xác định kết quả đầu ra rõ ràng. Phải thiết kế lại chương trình môn Giáo dục công dân cho phù hợp với cấp học phổ thông như: tăng số tiết lên 2 tiết/tuần và bố trí ở tất cả các cấp học; tăng phụ cấp cho giáo viên giảng dạy môn Giáo dục công dân. Đối với các trường cao đẳng, đại học không chuyên luật trong cả nước phải đưa môn pháp luật đại cương là môn học bắt buộc trong chương trình các môn chung. Hàng năm, giáo viên dạy môn giáo dục công dân, giảng viên giảng dạy môn pháp luật đại cương được tổ chức tập huấn nâng cao về chất lượng nội dung giảng dạy và phương pháp giảng dạy môn học này để tạo hứng thú cho học sinh, sinh viên trong việc tiếp thu kiến thức của môn học, từ đó nâng cao ý thức pháp luật cho đối tượng học sinh, sinh viên.

- Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên cũng cần tập trung vào đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật cao. Đối tượng thanh niên có nguy cơ vi phạm pháp luật cao thường là thanh niên sống trong gia đình, khu vực đặc biệt như: thanh niên không có trình độ văn hóa (do bỏ học sớm); gia đình có bố mẹ ly hôn, bố mẹ phạm tội, hoặc bố mẹ là chủ lô đề, cờ bạc; thanh niên không có việc làm...đây là những đối tượng rất dễ vi phạm pháp luật do bị tác động bởi hoàn cảnh.

- Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên cần bám sát các nội dung  nhiệm vụ và mục tiêu của Đề án tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011 – 2015 (ban hành kèm theo Quyết định số 2160/QĐ-TTg ngày 26/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ).

- Nhà nước cần quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất và điều kiện bảo đảm triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên.

Kết luận:

Việc giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên, giảm tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, giảm tình trạng bạo lực học đường đòi hỏi sự quan tâm, của tất cả các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội. Là người đang trực tiếp tham gia giảng dạy môn Pháp luật đại cương cho đối tượng sinh viên ở trường đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, tôi nhận thấy thật ra chúng ta không có thanh thiếu niên nào xấu mà chỉ là người thanh thiếu niên đó không biết phát huy các phẩm chất tốt. Chính vì vậy việc nâng cao ý thức pháp luật cho thanh niên cũng nằm trong công cuộc phát huy các phẩm chất tốt của thanh thiếu niên Việt Nam ta./.

Ths.Đỗ Thanh Hương

Khoa Lý luận chính trị và Kiến thức đại cương

Trường Đại học Văn hóa Tp HCM. Số 51 Quốc Hương, P. Thảo Điền, Q2, TRP.HCM. Dt: 01273992858

……………………………

(1) (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia).

(2),(3),(5). Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn) Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên: Cần hướng đến đối tượng có nguy cơ cao

(4) Thái Bảo. Thành phố Hồ Chí Minh: đưa người nghiện đi cai trước tết. Báo An ninh thế giới số 1.422 ngày 22-11-2014

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Đảng cộng sản Việt Nam (1993) Văn kiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bốn Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VII) về công tác thanh niên trong thời kỳ mới , NXB CTQG Hà Nội.
  2. Đảng cộng sản Việt Nam (2008) Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước NXB CTQG Hà Nội.
  3. Đảng cộng sản Việt Nam (2014) Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. NXB CTQG Hà Nội.
  4. Quốc Hội khóa 10(2005) Luật Giáo dục, H.2005
  5. Quốc Hội khóa 13(2012) Luật Giáo dục đại học, H.2012
  6. Anh Huy (2012), Cảnh báo tình trạng sinh viên vi phạm pháp luật, Báo Công an nhân dân số 1263 ngày 7-12-2012
  7. Trần Quyết - Quang Sơn (2014), Những lỗ hổng "chết người" trong giáo dục nhân cách và pháp luật. http://nguoiduatin.vn
  8. Thủ tướng Chính Phủ (2010), Quyết định Phê duyệt Đề án tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011 – 2015. H.2010
 

 

Từ khóa:

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA TP. HỒ CHÍ MINH

Địa chỉ:    

CS1: 51 Quốc Hương, P.Thảo Điền, TP. Thủ Đức.

CS2: 288 Đỗ Xuân Hợp, P.Phước Long A, TP. Thủ Đức. 

Điện thoại: (028)38992901

Email: dhvh@hcmuc.edu.vn

Website: http://hcmuc.edu.vn

Fanpage: https://www.facebook.com/VHS1976

 


Copyright © 2018 - http://www.hcmuc.edu.vn/ . All rights Reserved.