Hành trình khám phá Hà Giang của lớp Cao học Quản lý văn hóa khóa 8

bởi quản trị viên | Ngày đăng: 08-11-2019


      32 học viên lớp Cao học Quản lý văn hóa khóa 8, khóa học 2018 - 2020, Trường Đại học Văn hóa TP. HCM đang có chuyến khảo sát thực tế về hoạt động văn hóa cơ sở tại tỉnh Hà Giang từ ngày 2 - 8/11. Phụ trách hướng dẫn và điều hành chương trình thực tế có TS. Nguyễn Đệ, Phó Trưởng Khoa phụ trách Khoa Văn hóa học và TS. Nguyễn Thái Hòa, Khoa Di sản văn hóa.

Hát Quốc ca tại Cột cờ Lũng Cú. Ảnh: Lớp CHQLVH-K8.

      Đây là học phần bắt buộc nằm trong chương trình đào tạo trình độ cao học của Trường Đại học Văn hóa TP. HCM. Bên cạnh những học phần mang tính lý luận và thực tiễn tại nhà trường, các học viên sẽ trải nghiệm thực tế tại một số địa phương tiêu biểu của cả nước để tìm hiểu về hoạt động văn hóa cơ sở, rèn luyện kỹ năng điền dã, làm quen với công tác nghiên cứu… Theo đó, 32 học viên lớp Cao học Quản lý văn hóa khóa 8 đã khảo sát thực tế theo lộ trình Hà Nội - Tuyên Quang - Bắc Quang - Quản Bạ - Yên Minh - Đồng Văn - Mèo Vạc - Hà Giang - Tuyên Quang - Hà Nội.

TS. Nguyễn Đệ, đại diện các học viên trao quà lưu niệm cho các chiến sĩ bộ đội biên phòng. Ảnh: Lớp CHQLVH-K8.

      Trong hành trình, các học viên đã trải nghiệm thực tế nhiều hoạt động cũng như tham gia công tác khảo sát nghiên cứu tại các địa điểm suốt dọc hành trình. Ngay trong ngày đầu tiên của chuyến khảo sát, đoàn đã giao lưu và trải nghiệm không gian sinh hoạt tại homestay làng dân tộc Tày ở thành phố Hà Giang, đây là nơi có những ngôi làng vẫn còn giữ nguyên bản sắc dân tộc. Trong các chặng tiếp theo của hành trình, đoàn học viên đã tham quan cổng trời Quản Bạ, di tích lịch sử Đồn Cao, khám phá hệ thống hang động Lùng Khúy còn rất nguyên sơ với nhiều nhũ đá lộng lẫy, hình thù lạ mắt; tham quan cổng trời Mã Phì Lèng - nơi được mệnh danh là đệ nhất hùng quan của Việt Nam, núi đôi Cô Tiên, phố cổ người Mông ở Phố Cáo, phố cổ Đồng Văn, làng dân tộc Mông trắng – nơi quay bộ phim Chuyện của Pao, đồng thời tham quan và tìm hiểu đời sống văn hóa của đồng bào làng dân tộc Lô Lô Hoa ở thôn Lũng Cẩm. Bên cạnh đó, điểm dừng chân di tích nhà họ Vương - dinh thự vua Mèo, tọa lạc trong một thung lũng thuộc địa bàn xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn cũng là một điểm nhấn thú vị trong hành trình. Ngoài ra, các học viên đã có những trải nghiệm tại homestay và giao lưu, tìm hiểu đời sống văn hóa của đồng bào Dao tại Nặm Đăm - Quản Bạ…

 TS. Nguyễn Thái Hòa, đại diện các học viên trao tiền hỗ trợ công tác chăm sóc học sinh tại Đồn Biên phòng Lũng Cú. Ảnh: Lớp CHQLVH-K8.

      Trong ngày thứ tư của chuyến khảo sát, các học viên đã tham quan và nghe thuyết minh về quy trình dệt lanh tại làng dệt lanh truyền thống của đồng bào dân tộc Mông ở Lùng Tám. Qua chia sẻ của những người thợ nơi đây, các học viên đã hiểu được phần nào những vất vả nhưng cũng đầy tính chuyên nghiệp trong các công đoạn làm nên những sản phẩm lanh độc đáo, có một không hai tại thị trường Việt Nam của mặt hàng truyền thống này. Dọc suốt hành trình, đoàn còn tìm hiểu nét độc đáo của các chợ phiên Sà Phìn, chợ phiên Quản Bạ và chợ phiên Mèo Vạc, đây là những chợ phiên tiêu biểu của đồng bào vùng núi phía Bắc với những nét văn hóa độc đáo.

Đoàn học viên chụp ảnh giao lưu với chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Lũng Cú. Ảnh: Lớp CHQLVH-K8.

      Thú vị nhất của hoạt động khảo sát lần này là hành trình khám phá và chinh phục điểm mốc Cực Bắc của Việt Nam - Cột mốc số 422 cùng các chiến sĩ Bộ đội biên phòng Lũng Cú. Nằm ngay giữa bản Séo Lủng, đây là một bản người dân tộc Mông, cũng chính là nơi dòng sông Nho Quế bắt đầu chảy vào lãnh thổ Việt Nam. Đoàn đã giao lưu và gửi tặng quà đến các chiến sĩ bộ đội biên phòng. Các học viên đã đồng phục trong chiếc áo cờ đỏ sao vàng và hát vang bai Quốc ca tại cột cờ Lũng Cú trong tuyết trờ lạnh giá, cảm nhận được sự thiêng liêng khi đang đặt chân tại nơi địa đầu của Tổ quốc.

Đoàn học viên tham quan làng dệt Lanh Lùng Tám, Quản Bạ. Ảnh: Lớp CHQLVH-K8.

      Trong hai ngày cuối của hành trình, đoàn sẽ tiếp tục đến với dân tộc Tày xung quanh thành phố Hà Giang, nơi có những ngôi làng vẫn còn giữ nguyên được bản sắc dân tộc, giao lưu và tìm hiểu về đời sống đồng bào để có nhiều chất liệu cho công tác nghiên cứu.

Một góc chợ phiên Sà Phìn. Ảnh: Lớp CHQLVH-K8.

      Chuyến đi khảo sát thực tế đã mang đến cho các học viên nhiều trải nghiệm, đặc biệt là quan sát thực tế và có những nghiên cứu sâu về công tác quản lý văn hóa, du lịch, tìm hiểu về các di sản, lễ hội, phong tục tập quán, đời sống văn hóa, kiến trúc và ẩm thực nơi các địa phương đi qua. Hoạt động khảo sát thực tế cũng là học phần bắt buộc và cần thiết trong chương trình đào tạo sau đại học các chuyên ngành Quản lý văn hóa, Văn hóa học, Thư viện hiện nay tại Trường Đại học Văn hóa TP. HCM.

Nguyễn Thái Hòa

 

Từ khóa:

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA TP. HỒ CHÍ MINH

Địa chỉ:    

CS1: 51 Quốc Hương, P.Thảo Điền, TP. Thủ Đức.

CS2: 288 Đỗ Xuân Hợp, P.Phước Long A, TP. Thủ Đức. 

Điện thoại: (028)38992901

Email: dhvh@hcmuc.edu.vn

Website: http://hcmuc.edu.vn

Fanpage: https://www.facebook.com/VHS1976

 


Copyright © 2018 - http://www.hcmuc.edu.vn/ . All rights Reserved.