Tiếp nhận hơn 300 hiện vật để sinh viên văn hóa thực hành

bởi quản trị viên | Ngày đăng: 23-11-2018


VHO-Trường ĐH Văn hóa TP.HCM vừa tổ chức lễ tiếp nhận hiện vật của nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Ẩn. Đây là một trong các hoạt động nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23.11.

Theo đó, nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Ẩn (Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Phường Mũi Né, Thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) đã hiến tặng cho Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tổng cộng hơn 300 hiện vật (bằng chất liệu gốm, đồng…) tính từ năm 2017 đến nay. Đây là đợt hiến tặng lần thứ 13 trong tổng số hơn 6.300 hiện vật đã được nhà sưu tập này hiến tặng cho 19 tỉnh, thành là các bảo tàng và trường đại học. 

Nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Ẩn phát biểu cảm nghĩ tại lễ trao tặng hiện vật


Chia sẻ lý do hiến tặng hiện vật, nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Ẩn cho hay, qua tìm hiểu được biết, hiện nay nhiều cơ sở đào tạo các chuyên ngành di sản, lịch sử, bảo tàng khá hạn chế về điều kiện, chất liệu để sinh viên thực tập, vì thế các sinh viên thường chỉ được học lý thuyết là chính mà không có cơ hội tiếp cận với các hiện vật thật để quan sát, mô tả, chất lượng đào tạo vì vậy không cao. “Ngoài ra tôi còn nhận thấy hiện nay học sinh ít yêu mến môn lịch sử, tôi mong rằng những cống hiến cho mình sẽ góp phần cho giới trẻ có dịp tìm hiểu và yêu mến lịch sử nhiều hơn”, ông Ẩn nói. Nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Ẩn cũng cho biết mỗi năm sẽ hiến tặng cho Trường ĐH Văn hóa TP.HCM 50 hiện vật. Ông và gia đình cũng sẽ cố gắng đi đến các tỉnh, thành trong cả nước để hiến tặng hiện vật, hỗ trợ công tác đào tạo và nghiên cứu tại các bảo tàng, trường đại học.

Các nhà nghiên cứu tham quan hiện vật của nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Ẩn đang được trưng bày tại

Phòng Truyền thống, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM


PGS.TS Nguyễn Thế Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cho biết các hiện vật mà nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Ẩn hiến tặng cho trường có giá trị lịch sử, văn hóa, dùng làm chất liệu để sinh viên các chuyên ngành di sản, bảo tàng… thực hành trong quá trình học tập và nghiên cứu. Với số lượng hơn 300 hiện vật được hiến tặng này đã nâng tổng số kho hiện vật của nhà trường lên 2.000 hiện vật. “Việt Nam hiện có 2 cơ sở đào tạo ngành bảo tàng học, là Trường ĐH Văn hóa Hà Nội và ĐH Văn hóa TP.HCM. Hiện nay Khoa Di sản của hai trường có rất ít sinh viên đến học, nhân lực làm công tác bảo tàng tại các tỉnh thì đang thiếu rất nhiều. Bảo tàng các tỉnh cho biết không muốn nhận người tốt nghiệp các ngành khác về làm công tác bảo tàng, thậm chí là ngành lịch sử, mà mong muốn nhân lực phải được đào tạo từ ngành bảo tàng ra. Nắm bắt nhu cầu thực tế là cán bộ làm công tác bảo tàng cần phải được đào tạo chuyên sâu, nên bắt đầu từ 2017 chủ trương của trường là không đào tạo chung chung mà chuyển sang đào tạo theo định hướng ứng dụng thực tiễn, để cho hoạt động giáo dục của nhà trường phải gắn liền với xã hội. Hiện nhà trường đang có phòng truyền thống dùng để trưng bày các hiện vật, tư liệu để sinh viên và giảng viên tìm hiểu, nghiên cứu. Nhà trường cũng đang ấp ủ nguyện vọng thành lập một bảo tàng chuẩn trong trường để phục vụ công tác đào tạo, tuy nhiên khó khăn hiện nay là hiện vật để trưng bày chưa nhiều và đa dạng”, PGS.TS Nguyễn Thế Dũng nói.
Nằm trong định hướng đào tạo ứng dụng thực tiễn, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cũng đã ký kết hợp tác với các bảo tàng trên địa bàn TP.HCM vào ngày 22.11 vừa qua.

Thùy Trang

Nguồn: http://baovanhoa.vn/

 

Từ khóa:

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA TP. HỒ CHÍ MINH

Địa chỉ:    

CS1: 51 Quốc Hương, P.Thảo Điền, TP. Thủ Đức.

CS2: 288 Đỗ Xuân Hợp, P.Phước Long A, TP. Thủ Đức. 

Điện thoại: (028)38992901

Email: dhvh@hcmuc.edu.vn

Website: http://hcmuc.edu.vn

Fanpage: https://www.facebook.com/VHS1976

 


Copyright © 2018 - http://www.hcmuc.edu.vn/ . All rights Reserved.