Trung tâm điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất: Vẹn nguyên những nụ cười

bởi quản trị viên | Ngày đăng: 23-07-2019


Những ngày đầu tháng 7 chúng tôi lại tìm về Trung tâm điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất (Bà Rịa - Vũng Tàu)nghẹn ngàolòng thấy bồi hồi, ngập tràn xúc cảm như một nốt thăng giữa ngày bình yên đến lạNgày ra trận tàn khốc bao nhiêu, thì hôm nay đây, sự bình yên dịu nhẹ trở về bấy nhiêu, tuy nhiên, xúc cảm lâng lâng của bình yên chưa được gói trọn, thì cảm giác xót xa chợt ùa về mãnh liệt hơn bao giờ hết trong tôi. Vì ánh mắt như “vô định” của những người lính, những người từng quên mình hi sinh chiến đấu cho độc lập, tự do của Tổ quốc, để rồi, bỏ lại một phần cơ thể, bỏ lại tuổi trẻ của mình nơi chiến trường, và giờ đây trong suy nghĩ của những người lính ấy chỉ còn là những ký ức vụn vặt không thể chắp vá bởi những vết hằn của chiến tranh.

Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm, kể từ ngày những tiếng gầm vang cuối cùng của đạn bom còn đọng lại của cuộc chiến, sự tàn khốc khôn tả đã lùi xa, nhưng những mảnh ghép ký ức của chiến tranh vẫn còn là nỗi ẩn ức, vẫn ám ảnh hàng ngày trong trí nhớ mơ hồ của những thương binh bị rối loạn tâm thần.

Ít ai biết, phía sau cánh cổng rộng mở của Trung tâm điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất là một thế giới hoàn toàn khác, thế giới của những những thương binh rối loạn tâm thần. Bước qua cánh cửa dẫn vào khu biệt lập dành cho thương binh rối loạn tâm thần, tôi bắt gặp những ánh mắt vô hồn, ngơ ngác tập trung nhìn và hoảng sợ khi thấy người lạ, tuy nhiên, sau những khoảnh khắc hoảng loạn, cười rồi lại khóc, khi tôi cố gắng bắt chuyện làm quen, họ lại trở nên hiền lành, hiền lành một cách ngờ nghệch. Những ánh mắt vô hồn, thẫn thờ ấy tạo cho người đối diện một cảm giác xót xa đến tột cùng.

Giữa khuôn viên thoáng mát ấy, tiếng hát vang lên lúc cao vút, khi thì trầm lắng cùng tiếng đàn ghita, những câu hát được cất lên từ chính các thương binh bị rối loạn tâm thần lúc “tỉnh táo nhất”. Dưới tán cây, chú Đúng ôm đàn cùng chú Khả say sưa ca hát, chất giọng miền Tây, trìu mến và ấm áp của chú Khả “Xe lao nhanh trên đường trải rộng, mà mỗi người trông gương mặt đã là hoa. Cô gái ngồi bên mến khách đường xa, mới cất tiếng làm quen qua nụ cười hiền. Chuyến xe về này đầy đặn ngày xuân mà đường thành phố – Tây Ninh tôi vừa đi một nửa…”. Ánh mắt các chú ánh lên những nụ cười, theo làn điệu câu hò, tiếng đàn ngọt ngào, sâu lắng. Trong đôi mắt rất đỗi hiền từ của những người lính ở đây, dường như quá khứ đau buồn của chiến tranh đã ngủ yên, họ không còn nhớ nữa, như không nhớ chính cuộc đời họ. 

Giờ ăn trưa của các thương binh rối loạn tâm thần

18 thương binh bị rối loạn tâm thần ở đây là nhân chứng sống tô điểm thêm cho những trang sử hào hùng của dân tộc, truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất trong cuộc chiến chống ngoại xâm. Và có lẽ, họ cũng là minh chứng sống động nhất về hậu quả thảm khốc của chiến tranh. Người lính anh dũng năm nào giờ nửa tỉnh nửa mê, mang những ký ức của thời lửa đạn. Chính vì thế, trong ký ức của những thương binh lúc mơ, lúc tỉnh này gần như chỉ có những trận đánh với bom đạn. Đang yên bình nhưng tiếng hét “xung phong” có thể vang lên bất cứ lúc nào. Họ chập chờn nhớ, chập chờn quên “mình là ai?”. Họ, những người đã dùng tất cả tuổi trẻ của mình để đánh đổi lấy sự ấm no hôm nay cho đất nước. Và tôi hiểu, ánh mắt cũng như tâm hồn họ, chẳng thể nào gọi về quá khứ oai hùng năm xưa. Đặc biệt hình ảnh của các cô, chú nơi đây đã khắc vào tâm khảm thế hệ tiếp theo các giá trị nhân văn về sự biết ơn đối với những người đi trước.

Vết tích của chiến tranh vẫn còn trên những thân thể thỉnh thoảng lại âm ỉ nhưng trên hết chất lính và tình yêu cuộc sống vẫn bừng cháy. Các bệnh binh, những “mảnh vỡ” của chiến tranh vẫn thấy đời rất đẹp qua từng lời hát, trên môi họ vẫn vẹn nguyên những nụ cười, luôn lạc quan yêu đời và họ đã tìm thấy một mái ấm bình yên cho mình.

Và tập thể lớp chúng tôi, những sinh viên lớp Đại học QLVH Liên thông 9 của trường Đại học văn hóa TP.HCM - dưới sự hướng dẫn của các thầy cô Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật - đã chuẩn bị tất cả những gì có thể cho ngày mai, ngày diễn ra sự kiện “Bản hùng ca tháng 7”

Sau những kiến thức giá trị trên lớp cùng giảng viên...

...Là những trải nghiệm thực tiễn quí báu....

...Và món quà mà chúng tôi trân trọng dành tặng cho các cô chú cũng đã chuẩn bị xong

Thương Lâm

Tham khảo thêm một số tin, bài liên quan đên sự kiện

http://www.baoquankhu7.vn/chuong-trinh-giao-luu-nghe-thuat-ban-hung-ca-thang-7657916049

http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/News/32539

https://mekongsean.vn/ban-hung-ca-thang-7-tri-an-den-nguoi-co-cong-voi-cach-mang.html/

http://quanlyvanhoa.hcmuc.edu.vn/chuong-trinh-giao-luu-nghe-thuat-%E2%80%9Cban-hung-ca-thang-7%E2%80%9D-ngan-vang-nhung-bai-ca-di-cung-nam-thang.html

Từ khóa:

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA TP. HỒ CHÍ MINH

Địa chỉ:    

CS1: 51 Quốc Hương, P.Thảo Điền, TP. Thủ Đức.

CS2: 288 Đỗ Xuân Hợp, P.Phước Long A, TP. Thủ Đức. 

Điện thoại: (028)38992901

Email: dhvh@hcmuc.edu.vn

Website: http://hcmuc.edu.vn

Fanpage: https://www.facebook.com/VHS1976

 


Copyright © 2018 - http://www.hcmuc.edu.vn/ . All rights Reserved.