Chiều 4/6, Trung tâm Văn hóa TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh tổ chức chương trình biểu diễn và giới thiệu âm nhạc dân tộc. Chương trình đã mang đến không gian nghệ thuật đặc sắc với các tiết mục giới thiệu và biểu diễn các loại hình nghệ thuật dân gian đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, do những nghệ nhân, nghệ sĩ đến từ các đoàn nghệ thuật và sinh viên Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh biểu diễn.
Các nghệ nhân, nghệ sĩ tham gia biểu diễn tiết mục hát múa hầu đồng "Ông Hoàng Mười" trong chương trình biểu diễn âm nhạc dân tộc chiều 4/6.
Việt Nam có 54 dân tộc anh em là có 54 dòng âm nhạc khác nhau. Mỗi dòng mang một sắc thái độc đáo, phong phú từ thanh nhạc đến khí nhạc. Rất dễ để nhận biết tính đặc thù của âm nhạc tộc người, thông qua các loại nhạc cụ được chế tác từ các vật liệu trong tự nhiên và trong số đó, bộ gõ, bộ hơi là những nhạc cụ có lịch sử lâu đời, có tính phổ quát ở các dân tộc và các quốc gia. Mở đầu chương trình, NNUT Đức Dậu và nghệ nhân Thu Hiền đã chào khán phòng bằng các tiết mục biểu diễn các nhạc cụ dân tộc làm mê hoặc lòng người.
Ngày 2 tháng 10 năm 2009, UNESCO đã công nhận Dân ca Quan họ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là một trong những dòng dân ca của vùng châu thổ sông Hồng ở Bắc bộ, hình thành và phát triển trên vùng đất Kinh Bắc xưa. Đến với chương trình biểu diễn âm nhạc dân tộc, tốp ca nữ Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh đã gửi tặng khán giả bài dân ca quan họ “Mời nước, Mời trầu” mang lại nhiều cảm xúc và ấn tượng.
Góp mặt trong chương trình, các nghệ sĩ đã mang đến cho khán giả một dòng âm nhạc đặc trưng của người Việt ở Nam Bộ, loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.
Ca ra bộ: Bùi kiệm thi rớt trở về với phần trình bày của Minh Đức, Thảo Vy và Thành Tây
Dạ cổ hoài lang; sáng tác: Cao Văn Lầu; do Nghệ sĩ Bích Phượng (ái nữ NSND Út Trà Ôn) biểu diễn.
Ngàn năm thương nhớ Trường Sa với phần trình bày của Hoa Lý – Sinh viên khoa QLVH,NT Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh.
Nghệ thuật Cải lương cũng được nghệ sĩ Minh Đức vai Thi Sách và nghệ sĩ Thảo Vi vai Trưng Trắc gửi đến trong chương trình này với trích đoạn “Tiếng trống Mê Linh” của các soạn giả: Việt Dung, Vĩnh Điền, Viễn Châu và Nguyễn Phương. Đây là một trong những vở diễn tạo nên tên tuổi của NS Thanh Nga và Thanh Sang).
Hát múa bỏ bộ là một trong những thể loại của Ca trù. Xưa kia, hát múa bỏ bộ xếp vào thể loại hát nhà trò. Tiết mục hát múa bỏ bộ do NNƯT Đức Dậu: Cầm chầu, NNƯT Thanh Nhàn: Ca nương và NN Vũ Huy Dự: Kép đàn biểu diễn.
Hát văn, hát chầu văn là loại hát gắn với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng thờ Tứ phủ (đạo mẫu) và Đức thánh trần. Lời ca trau chuốt, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, ca ngợi công đức vị thánh thần, khen vẻ đẹp ngoại hình và phong thái của các vị thánh. Mời các vị thánh về ngự và xin ban ơn phù hộ cho chúng dân. Ngày 1/12/2016, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong chương trình này các nghệ nhân: Trống bang và hát: NNƯT Thanh Nhàn; Đàn Nguyệt và hát: NN Vũ Huy Dự; Kèn, sáo bầu: NN Duy Đức; Trống và bộ gõ: NN Tuấn Trường đã gửi đến khán giả tiết mục hát múa hầu đồng “Ông Hoàng Mười” – một trong những tiết mục đặc sắc của nghệ thuật Hát văn và Hầu đồng của Miền Bắc.
Thay mặt Ban Giám hiệu Nhà trường phát biểu tại chương trình biểu diễn âm nhạc dân tộc chiều ngày 4/6/2019, PGS.TS Lâm Nhân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Biểu diễn âm nhạc dân tộc trong Nhà trường là một hoạt động rất có ý nghĩa và thiết thực cho thế hệ trẻ hôm nay, đặc biệt là các bạn học viên, sinh viên ngành văn hóa có thêm kiến thức về âm nhạc dân tộc, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc trong thời đại mới…”./.
Tin và ảnh: Hoàng Hải – BBT Website