VHSO - “Thành phố sáng tạo” là một khái niệm mới, đang được nhiều quốc gia quan tâm, thảo luận, thay đổi, bổ sung để hoàn thiện. Có thể hiểu “Thành phố sáng tạo” là nơi mà ở đó con người với tính sáng tạo là tài nguyên quan trọng, tạo ra của cải cho xã hội. Hiện nay, trên thế giới có 350 thành phố từ hơn 100 quốc gia tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Một góc Hội thảo khoa học cấp Quốc gia chủ đề “Phát huy các nguồn lực văn hóa để xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo” của Thành phố Hồ Chí Minh” sáng 14/11.

      Sáng ngày 14/11, tại Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh (Số 28 Lê Quý Đôn, phường Võ Thị Sáu, quận 3). Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia chủ đề: “Phát huy các nguồn lực văn hóa để xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo” của Thành phố Hồ Chí Minh”. Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm phát triển Công nghiệp văn hóa và Nghệ thuật đương đại, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; Bà Trần Thị Ngọc Hân, Đại diện văn phòng UNESCO tại Hà Nội; GS.TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP. HCM; TS. Phú Văn Hẳn, Phó Viện trưởng Viện KHXH vùng Nam Bộ; Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài; Ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hãng phim Giải phóng; Đại diện các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu, giảng viên, nghiên cứu viên các trường đại học, các trung tâm văn hóa nghệ thuật,…

PGS.TS. Nguyễn Thế Dũng, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh trình bày báo cáo đề dẫn khai mạc Hội thảo.

      Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ra đời năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố coi sáng tạo là động lực, yếu tố chiến lược cho sự phát triển bền vững. UNESCO xét yếu tố sáng tạo của các thành phố trên các lĩnh vực: Thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, nghệ thuật truyền thông, điện ảnh, thiết kế, ẩm thực, văn học và âm nhạc. Khi tham gia mạng lưới này, các thành phố cam kết chia sẻ những thực hành tốt nhất, đổi mới sáng tạo và xây dựng ý thức gắn liền với trách nhiệm, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, phát triển hợp tác với khu vực công và tư cũng như các tổ chức xã hội - nghề nghiệp nhằm tăng cường sáng tạo, sản xuất, phân phối và truyền bá về các hoạt động, hàng hóa và dịch vụ văn hóa; phát triển các không gian sáng tạo và đổi mới, mở rộng cơ hội cho những người sáng tạo và chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa; nâng cao việc tiếp cận và tham gia vào đời sống văn hóa, đặc biệt đối với các nhóm và cá nhân yếu thế và dễ bị tổn thương; lồng ghép văn hóa và sáng tạo vào các kế hoạch phát triển bền vững.

Bà Trần Thị Ngọc Hân, Đại diện văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho rằng TP. Hồ Chí Minh cần nghiên cứu nguồn lực phù hợp để đưa ra các lĩnh vực có thể tham gia “Thành phố sáng tạo” trong thời gian tới.

      Tại Việt Nam, năm 2019 UNESCO đã công nhận Hà Nội là thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “Thiết kế” và mới đây (tháng 10/2023), UNESCO công nhận Hội An là thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “Thủ công & nghệ thuật dân gian” và Đà Lạt là thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “Âm nhạc”. Ngày 16/4/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo của UNESCO. Theo kế hoạch này, TP. Hồ Chí Minh là một trong những địa phương tiếp theo, cùng với thành phố Huế, Đà Nẵng, Hạ Long, Vũng Tàu,… có tiềm năng phát huy sáng tạo để phát triển bền vững và có khả năng tham gia vào mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO.

GS. TS. Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Để tham gia thành phố sáng tạo, TP. Hồ Chí Minh cần xây dựng cơ chế, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư đưa sáng tạo vào cấp học phổ thông, kết hợp nguồn lực toàn dân…”

      TP. Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo của cả nước. Cùng với chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế, TP. Hồ Chí Minh đang tập trung mọi nguồn lực cho sự phát triển, trong đó có nguồn lực văn hóa và định hướng đến năm 2030 trở thành trung tâm văn hóa của khu vực Đông Nam Á, năm 2045 là điểm đến hấp dẫn toàn cầu, văn hóa phát triển đặt sắc.

TS. Hà Thanh Vân, Giảng viên Trường Đại học Hùng Vương trăn trở khi TP. Hồ Chí Minh có dự kiến chọn điện ảnh làm lĩnh vực xây dựng “Thành phố sáng tạo”.

      Nội dung Hội thảo khoa học cấp Quốc gia chủ đề “Phát huy các nguồn lực văn hóa để xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo” của Thành phố Hồ Chí Minh” xoay quanh 3 vấn đề chính gồm: Thành phố sáng tạo và lĩnh vực sáng tạo; TP. Hồ Chí Minh có lợi thế, tiềm năng, nguồn lực trong lĩnh vực sáng tạo nào và Những giải pháp để TP. Hồ Chí Minh phát huy lợi thế, tiềm năng, nguồn lực nhằm xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo” có hiệu quả trong thời gian tới.

ThS. Phạm Bình An, Phó Viện trưởng phụ trách, Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, Đồng Trưởng Ban Tổ chức phát biểu kết luận Hội thảo.

      Hội thảo khoa học cấp Quốc gia chủ đề “Phát huy các nguồn lực văn hóa để xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo” của Thành phố Hồ Chí Minh” đã nhận được 33 bài tham luận của các cơ quan, các nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên từ các cơ quan nghiên cứu; các trường đại học và nhiều ý kiến đóng góp trực tiếp tại hội thảo rất có giá trị. Đây là cơ sở để Ban Tổ chức nhìn nhận vấn đề, đánh giá tiềm năng và khả năng phát triển của các nguồn lực văn hóa cho sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh trong tương lai khi tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO./.

Tin và ảnh: Hoàng Hải

BBT Website Trường Đại học Văn hóa TP.HCM.

Share:

Tags: Law, Juggement, lawyer, Cases