Nhân dịp chào mừng kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam, tối ngày 09/10/2022, Khoa Xuất bản, Phát hành trường ĐH Văn hóa TP.HCM đã tổ chức buổi nói chuyện trực tuyến chuyên đề “Nuôi dưỡng tình yêu nghề”, với sự tham gia của khách mời là TS. Quách Thu Nguyệt – Nguyên Giám đốc NXB Trẻ, nguyên Phó Giám đốc công ty Đường sách TP.HCM, người đã gắn bó gần cả cuộc đời mình với ngành sách Việt Nam.

Tham dự buổi nói chuyện chuyên đề lần này về phía khách mời ngoài TS. Quách Thu Nguyệt còn có TS. Vũ Thùy Dương, Trưởng Khoa Xuất bản - Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Ths. Phạm Văn Phê, Phó Trưởng khoa Xuất bản, Phát hành - Đại học Văn hóa Hà Nội, Chị Tường Vi, Trưởng phòng Tổ chức Hành Chính – NXB Trẻ; về phía trường Đại học Văn hóa TP.HCM có ThS Thái Thu Hoài, Phó Trưởng Khoa Xuất bản, Phát hành, các thầy, cô và các bạn sinh viên trong khoa Xuất bản, Phát hành.

Dẫn lời cho buổi nói chuyện chuyên đề, ThS Thái Thu Hoài phát biểu về mục đích của buổi nói chuyện lần này không những là một hoạt động nhằm chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam mà còn là dịp để giúp cho các bạn sinh viên khoa Xuất bản, Phát hành hiểu biết thêm về ngành Xuất bản, từ đó giúp sinh viên thêm đam mê với ngành nghề đang theo học và chuẩn bị hành trang cần thiết đáp ứng nhu cầu nghề nghiệp sau khi ra trường.

Mở đầu cho buổi nói chuyện thân tình với sinh viên, TS. Quách Thu Nguyệt khẳng định rằng Ngành Xuất bản, In, Phát hành xuất bản phẩm là ngành có quá trình phát triển lâu đời, gắn liền với tiến trình phát triển của văn minh nhân loại, từ khi con người phát minh ra chữ viết, cách in ấn và sản xuất giấy… và những người làm trong lĩnh vực sách là những người làm trên một kho vàng tri thức là cách nói vui của TS Quách Thu Nguyệt bởi sách là nguồn cung cấp tri thức cho nhân loại và rất nhiều quyển sách đã truyền cảm hứng, thay đổi cuộc sống của nhiều người.

Khi cô Nguyệt hỏi có những bạn tân sinh viên nào chọn học ngành Xuất bản là lựa chọn đầu tiên và nguyên do lựa chọn thì bạn Lương Huỳnh Anh Dũng nhanh chóng bấm nút giơ tay phát biểu rằng bạn đang là sinh viên của Đại học Quốc Gia TP.HCM chuyên ngành công nghệ thông tin nhưng khi học đến năm thứ 2 thì vẫn cảm thấy rất trống rỗng, không biết định hướng như thế nào trong khi bản thân lại rất yêu thích sách, luôn mong ước trở thành một biên tập viên trong ngành Xuất bản và cho đến khi gặp anh Cao Cường, BTV của NXB Kim Đồng thì bạn mới biết đến tại TP.HCM có Khoa Xuất bản, Phát hành nên bạn đã không do dự mà chọn đăng ký học ngay trong năm 2022 này.

Để giúp cho các bạn hiểu thêm về ngành nghề của mình đã chọn, TS Quách Thu Nguyệt đã kể về lịch sử vào nghề của mình đồng thời khẳng định chính tình yêu nghề đã giúp cô đi đến cùng trong ngành Xuất bản. Cô nhắn nhủ các bạn sinh viên rằng nếu chưa yêu nghề thì hãy yêu đi, nếu đã là sinh viên năm 3, 4 thậm chí đã ra trường mà chưa yêu nghề thì cũng không muộn để mình yêu nghề đâu. Và để yêu nghề thì các bạn trước tiên hãy học và đọc, càng đọc nhiều sẽ càng thấy ngành của mình hay vô cùng. Trích dẫn quan điểm về học tập của UNESCO: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”, cô cho rằng tiếp theo việc học để biết thì chính là học để làm. Để chuẩn bị hành trang trước khi bước vào đời, TS. Nguyệt cho rằng ngoài kiến thức được học từ nhà trường thì sinh viên cũng cần có kĩ năng và thái độ đối với ngành nghề. Trước tiên, với sinh viên ngành sách là phải yêu thích sách và đọc nhiều sách, có thể thành lập hoặc tham gia các câu lạc bộ cùng sở thích. Vì đọc để có thêm nhiều kiến thức, đọc để trân quí nghề và để có thêm kĩ năng cần thiết. Tiếp theo sinh viên cần thay đổi phương pháp học, không học theo lối mòn, không phải học “để trả nợ” mà học để lớn, để giỏi, để khẳng định mình và sống với đam mê của mình…Bên cạnh đó, để hiểu hơn về ngành Xuất bản thì một điều thuận lợi là hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp trong ngành nên sinh viên không cần phải làm thêm trái ngành mà có thể tham gia làm, trải nghiệm thực tế trong ngành để vừa có thu nhập trang trải cuộc sống vừa có thể rèn luyện kĩ năng với nghề bằng cách lựa chọn những công việc làm thêm liên quan đến ngành phù hợp như viết review sách cho các chuyên mục sách hay, mỗi ngày một cuốn sách, tham gia các hoạt động ngành nghề…

Cùng quan điểm với cô Nguyệt, Chị Tường Vi, Trưởng phòng Tổ chức Hành Chính NXB Trẻ, vốn cũng từng là một sinh viên của ngành Kinh doanh Xuất bản phẩm, đã chia sẻ khi tuyển dụng nhân sự mới thì câu hỏi đầu tiên của chị là bạn có đam mê đọc sách hay không vì chị cho rằng những ai thích đọc sách thì mới yêu nghề, và gắn bó lâu dài với nghề. Khi mình thường xuyên làm việc với sách thì phải yêu sách, thích đọc sách nên nếu những ai chưa yêu sách thì nên tập đọc sách, hãy làm quen với việc đọc sách.

Nói về tình yêu nghề của các bạn sinh viên hiện nay, TS Vũ Thùy Dương cũng trăn trở rằng trong các bạn sinh viên chọn học ngành Xuất bản tại trường thì chỉ một phần là chọn ngành Xuất bản vì yêu thích sách, còn phần lớn trường hợp là các bạn chọn học ngành Xuất bản là có thể rẽ sang các ngành gần khác, nhất là trong lĩnh vực truyền thông đang “hot” vì thu nhập. Cô Dương cũng chia sẻ thêm rằng không phải chỉ có trong truyền thông, cô đã chứng kiến nhiều trường hợp sinh viên Xuất bản yêu nghề và làm những công việc đúng với chuyên môn vẫn có thu nhập cao và thành công trong nghề.

Đồng tình với cô Dương, Cô Nguyệt cho rằng đúng là học ngành Xuất bản cũng có thể có nhiều nhánh rẽ sang nghề nghiệp khác chẳng hạn như truyền thông, báo chí…và thực tế là nhiều sinh viên Xuất bản tốt nghiệp xong là có thể làm việc trong các truyền thông… ở các doanh nghiệp, nhưng cô cho rằng điều quan trọng nhất là hãy yêu nghề vì bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, khi bạn yêu nghề thì nghề sẽ không phụ mình.

Kết thúc buổi nói chuyện chuyên đề, Cô Thái Thu Hoài cảm ơn cô Quách Thu Nguyệt, cô Vũ Thùy Dương, thầy Phạm Văn Phê, chị Tường Vi, các thầy cô trong khoa và các bạn sinh viên đã tham gia buổi nói chuyện chuyên đề hấp dẫn và ý nghĩa lần này. Cô mong rằng sau khi tham gia buổi nói chuyện chuyên đề hôm nay, các bạn sinh viên sẽ phần nào hiểu thêm, hiểu đúng về ngành mình đã chọn và tăng thêm tình yêu nghề, sự quyết tâm theo đuổi đam mê với nghề của các bạn.

Bài: N.Thanh

 

Share:

Tags: Law, Juggement, lawyer, Cases