Chiều ngày 8/12, tại Hội trường C, Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh (Số 51 Quốc Hương, phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức), Khoa Văn hóa Dân tộc thiểu số đã tổ chức Chương trình Sắc màu Văn hóa lần thứ 13 với chủ đề “Rik Reay Pithi Ok Om Bok - Vui Hội Ok Om Bok”.
Tiết mục văn nghệ biểu diễn tại Chương trình Sắc màu Văn hóa lần thứ 13 với chủ đề “Rik Reay Pithi Ok Om Bok - Vui Hội Ok Om Bok”.
Sắc màu Văn hóa là chương trình mang đậm dấu ấn, thương hiệu của Khoa Văn hóa Dân tộc thiểu số - Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh. Mỗi năm, chương trình mang đến một chủ đề khác nhau nhằm lan tỏa các giá trị văn hóa độc đáo của 54 dân tộc anh em trên mọi miền đất nước. Trải qua 12 lần tổ chức, Sắc màu Văn hóa đã trở thành một hoạt động thường niên của khoa Văn hóa Dân tộc thiểu số, nhằm góp phần quảng bá bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên cả nước.
Tiết mục văn nghệ biểu diễn tại Chương trình Sắc màu Văn hóa lần thứ 13 với chủ đề “Rik Reay Pithi Ok Om Bok - Vui Hội Ok Om Bok”.
"Sắc màu Văn hóa" lần thứ 13 không chỉ là cơ hội để sinh viên lớp Văn hóa dân tộc thiểu số 13 thực hành những lý thuyết được giảng dạy từ Tiến sĩ, Đạo diễn Hoàng Duẩn và ThS. Lê Xuân Khánh qua học phần Tổ chức sự kiện mà thông qua chương trình, sinh viên Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số nói riêng và sinh viên toàn trường nói chung còn thực hiện được những đóng góp có ích cho xã hội, góp phần lan tỏa và quảng bá bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số của sinh viên đang học tập tại trường Đại học Văn hóa TP.HCM.
Tái hiện Nghi thức cúng Trăng, đút cốm dẹp của đồng bào Khmer.
Điểm nhấn đặc biệt nhất trong Chương trình Sắc màu Văn hóa lần thứ 13 năm nay chính là hoạt động tái hiện nghi thức cúng Trăng của dân tộc Khmer một cách chân thực nhất, chính xác. Lễ hội Ook Om là một nghi lễ gắn với hoạt động nông nghiệp có từ lâu đời của người Khmer được diễn ra vào rằm tháng 10 âm. Lễ hội được diễn ra để tạ ơn thần Mặt Trăng đã bảo vệ mùa màng, đem lại mưa thuận gió hòa để mùa màng được bội thu. Theo quan niệm của người Khmer, mặt trăng được xem là vị thần cai quản thời tiết, điều tiết mùa màng trong năm. Đồng thời còn giúp họ cầu nguyện để có thể bội thu mùa vụ tới.
Tái hiện Nghi thức cúng Trăng, đút cốm dẹp của đồng bào Khmer.
Ngoài ra, đến tham dự chương trình Sắc màu Văn hóa, khán giả còn được thưởng thức các tiết mục văn nghệ do các bạn sinh viên người tộc thiểu số biểu diễn như: Em Đẹp Như Hoa Pơ Lang, Đượm Tình Duyên Quê (dân tộc Chăm), Men Say - Đàn đá đêm nay (dân tộc Raylay) ; Nổi Gió Lên (dân tộc Hoa); Tình Ca Ba Sắc, Múa Rô băm (Khmer). Chương trình Sắc màu Văn hóa do Khoa Văn hóa Dân tộc thiểu số tổ chức vừa là dịp lan tỏa giá trị văn hóa tộc người vừa tạo sân chơi lành mạnh cho sinh viên, nâng cao tinh thần đoàn kết, giao lưu học hỏi giữa sinh viên trong trường và để tạo cơ hội cho sinh viên, nâng cao tinh thần đoàn kết, giao lưu học hỏi trao đổi để hiểu thêm về văn hóa của các dân tộc thiểu số Việt Nam đang học tập tại Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh.
ThS. Hứa Sa Ni, Phó Trưởng Khoa Văn hóa Dân tộc thiểu số trao học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó, học tập tốt.
Dịp này, Khoa Văn hóa Dân tộc thiểu số - Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh cũng đã trao tặng 4 suất hoăc bổng (mỗi suất trị giá 2.000.000đ) để tặng sinh viên nghèo vượt khó trong học tập của Khoa.
Minh Hằng
Hoàng Hải – Biên tập.