VHSO - Trong thời đại hiện nay, sự đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động đã thúc đẩy các trường đại học tăng cường cho sinh viên tiếp cận thực tế, chủ động chuẩn bị các kỹ năng cần thiết đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của xã hội. Trong 2 tuần cuối tháng 11/2024, Khoa Truyền thông, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức tập huấn cho gần 100 sinh viên năm nhất kiến thức liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu liên ngành với chủ đề Photovoice – Nghệ thuật kể chuyện qua hình ảnh, dưới sự hướng dẫn của ông John Joshu Coward, chuyên gia từ Đại học Simon Fraser, Canada.
Đông đảo sinh viên Khoa Truyền thông tham gia khóa tập huấn cùng chuyên gia John Joshu Coward, Đại học Simon Fraser, Canada.
Photovoice là một phương pháp nghiên cứu có sự tham gia được thiết kế để thúc đẩy sự tham gia tích cực của cộng đồng vào việc phân tích và giải quyết các vấn đề của chính họ. Người tham gia chụp các bức ảnh gắn với cộng đồng của mình, sau đó, ảnh được đưa ra thảo luận, bàn bạc để xác định các vấn đề quan trọng. Phương pháp này có nhiều lợi ích, bao gồm cho phép người tham gia thể hiện trực quan những trải nghiệm có thể khó diễn đạt bằng lời, theo cách vui tươi, tích cực. Đối với các nhà khoa học, phương pháp này cung cấp sự hiểu biết sâu sắc hơn về quan điểm của người tham gia. Chia sẻ tại khóa tập huấn, ông John Joshu Coward, chương trình nghiên cứu liên ngành, thuộc Đại học Simon Fraser, Canada cho biết: “Lý do PhotoVoice hiệu quả là bạn có thể cho người xem khác, đặc biệt là những người có quyền lực, thấy được những gì bạn nhìn thấy từ góc nhìn của mình mà có thể họ không thấy được từ góc nhìn của họ”.
ThS. Nguyễn Thị Hồng Chi, Giảng viên Khoa Truyền thông và chuyên gia John Joshu Coward, Đại học Simon Fraser, Canada chụp ảnh lưu niệm cùng sinh viên tại buổi tập huấn sáng 22/11.
Chương trình tập huấn nhằm nâng cao năng lực, kiến thức, phương pháp tiếp cận thực tế cho sinh viên năm nhất, thuộc Khoa Truyền thông, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khóa tập huấn, các em sinh viên có thể bắt tay vào phát triển một dự án photovoice tiêu chuẩn. Các dự án thực tế nhỏ này thúc đẩy sinh viên tổng hợp kiến thức, kỹ năng từ những khía cạnh, chuyên ngành, góc nhìn khác nhau, vận dụng vào giải quyết những vấn đề thực tiễn trong cuộc sống. Đây là một trong những yếu tố đào tạo mới mẻ gắn với khái niệm "dạy và học liên ngành"
Hình ảnh chiếc nón lá Việt Nam đã để lại cho chuyên gia John Joshu Coward, Đại học Simon Fraser, Canada nhiều ấn tượng khi đến Việt Nam.
Thông qua khóa tập huấn, sinh viên được trang bị thêm một số kỹ thuật mới để cải thiện kỹ năng chụp ảnh của mình, đặc biệt là nghệ thuật kể chuyện thông qua hình ảnh. Từ những chia sẻ thực tế của ông John Joshu Coward (người dẫn dắt chương trình tập huấn) đã lan tỏa những điều tích cực, giúp sinh viên ấn tượng về cách con người nhìn thế giới từ một góc nhìn khác. Tại các buổi học tập huấn, ông John Joshu Coward đã “thử thách” sinh viên chụp các bức ảnh theo cảm nhận của riêng mình. Mỗi bức ảnh đại diện cho một chủ đề khác nhau. Sau đó, sinh viên được giao nhiệm vụ sử dụng các kỹ thuật kể chuyện để giải thích ý nghĩa của những hình ảnh đó đến công chúng. Cụ thể, sinh viên đã học cách sử dụng nhiếp ảnh để giải quyết các vấn đề như cuộc sống thường nhật, bức tranh giao thông, bình đẳng giới, thói quen ăn uống của thanh thiếu niên, các mục tiêu phát triển bền vững, chuyển đổi số…Mỗi khi bước ra ngoài và quan sát một sạp thịt, cửa hàng rau ở một khu chợ địa phương, sinh viên có khả năng được khơi gợi, mở rộng thêm suy nghĩ của mình và nghĩ về vô số câu chuyện mà một nhà nghiên cứu, một người làm truyền thông có thể kể. Đối với một số người, chợ là nơi trao đổi hàng hóa, bán mua. Đối với những người khác, đó là nguồn thu nhập quan trọng nuôi sống gia đình họ.
Chuyên gia John Joshu Coward, Đại học Simon Fraser, Canada hướng dẫn cho sinh viên kỹ năng kể chuyện thông qua hình ảnh.
Điều làm cho các sinh viên thích thú ngạc nhiên là một bức ảnh chụp một sạp rau, một quán cà phê có thể mang nhiều tầng ý nghĩa đến vậy. Chúng ta đều biết quán cà phê là nơi người ta đến để mua nước uống, tâm sự, nhưng những câu chuyện mà nó có thể thể hiện là vô tận. Đó là lý do làm cho những khóa tập huấn ngắn hạn với các chuyên gia nước ngoài như thế này trở nên có giá trị. Bởi thông qua đó, sinh viên ngoài việc mở rộng góc nhìn, cách nhìn nhận đánh giá sự việc, thì còn có khả năng khám phá những câu chuyện có thể được kể thông qua một hình ảnh đơn giản.
Sinh viên Khoa Truyền thông chụp ảnh lưu niệm cùng chuyên gia John Joshu Coward, Đại học Simon Fraser, Canada.
Trong thời gian qua, để tăng tính thực tế cho từng chuyên ngành, học phần, định kỳ, Khoa Truyền thông, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các hoạt động để sinh viên ứng dụng kiến thức vào thực tiễn như: tổ chức các buổi tọa đàm, tham quan các cơ quan báo chí qua từng năm, mời các chuyên gia đầu ngành đến chia sẻ kinh nghiệm. Qua từng năm, tính trải nghiệm trong từng công việc thông qua các môn học sẽ được tăng lên để bảo đảm sinh viên có thể thực hành tốt nhất, gắn sát với nhu cầu xã hội, có khả năng đáp ứng nhanh, tốt nhu cầu của công việc trong tương lai.
Bài và ảnh: Hồng Chi
Hoàng Hải, Biên tập