VHSO - Viết thuyết minh cho các đề tài nghiên cứu khoa học, dự án không chỉ là bước đầu tiên trong quá trình phát triển một dự án khoa học, mà còn là yếu tố quyết định việc đề tài có được xét duyệt và cấp kinh phí thực hiện hay không. Hiểu rõ tầm quan trọng này, chiều ngày 13/02, tại phòng Hội thảo, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi chia sẻ kinh nghiệm viết thuyết minh cho các đề tài, dự án nghiên cứu chủ đề “Kỹ năng viết thuyết minh cho các đề tài, dự án nghiên cứu” với phần trình bày của PGS.TS Jane Gavan, chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ Đại học Sydney, Australia.
Toàn cảnh buổi chia sẻ kinh nghiệm chiều ngày 13/2.
Trong suốt hơn 2 giờ chia sẻ kinh nghiệm, PGS.TS Jane Gavan đã mang đến nhiều kiến thức hữu ích về cách viết một bản thuyết minh nghiên cứu có tính thuyết phục cao, đáp ứng yêu cầu của các hội đồng xét duyệt và các tổ chức tài trợ. Đây là cơ hội quý báu để các giảng viên của trường học hỏi kỹ năng viết thuyết minh hiệu quả, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh khi xin tài trợ hoặc xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học, dự án.
PGS.TS Jane Gavan chia sẻ tại buổi nói chuyện.
PGS.TS Jane Gavan cho rẳng, một bản thuyết minh nghiên cứu không đơn thuần là một bản kế hoạch chi tiết mà còn phải thể hiện rõ giá trị khoa học, tính thực tiễn và sự khả thi của đề tài. Theo PGS.TS Jane Gavan, rất nhiều đề tài, dự án có ý tưởng hay nhưng lại bị loại ngay từ vòng xét duyệt hồ sơ chỉ vì phần thuyết minh chưa đủ rõ ràng và thuyết phục. Bà nhấn mạnh “Một bản thuyết minh tốt không chỉ giúp người viết thể hiện ý tưởng khoa học của mình một cách mạch lạc, mà còn giúp hội đồng xét duyệt thấy được tiềm năng, giá trị và khả năng triển khai của đề tài, dự án. Đó là bước quan trọng quyết định việc nghiên cứu có thể tiến xa hơn hay không…".
PGS.TS Jane Gavan chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn thực hành cho giảng viên.
Trong bài trình bày của mình, PGS.TS Jane Gavan đã hướng dẫn người tham dự cách xây dựng một bản thuyết minh ấn tượng theo các tiêu chí quan trọng: Xác định vấn đề nghiên cứu: Làm rõ bối cảnh, tính cấp thiết và mục tiêu của đề tài nghiên cứu, dự án; Xây dựng phương pháp nghiên cứu hợp lý: Cách lựa chọn và diễn giải phương pháp để đảm bảo tính khoa học và thực tiễn; Thể hiện tính khả thi của đề tài, dự án: Trình bày kế hoạch thực hiện, nguồn lực cần thiết và các yếu tố đảm bảo thành công; Tăng sức thuyết phục với hội đồng xét duyệt: Cách viết cô đọng, logic, sử dụng dữ liệu hỗ trợ và tránh những lỗi thường gặp.
PGS.TS Jane Gavan chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Tổ chức và giảng viên tham dự.
Không chỉ dừng lại ở lý thuyết, buổi chia sẻ còn tạo cơ hội cho người tham dự thực hành, đặt câu hỏi trực tiếp với PGS.TS Jane Gavan và nhận được phản hồi chi tiết. Các vấn đề thực tế như cách diễn đạt về đề tài nghiên cứu, mục tiêu nghiên cứu một cách rõ ràng, lựa chọn phương pháp phù hợp và lập kế hoạch kinh phí hợp lý đã được phân tích sâu. Buổi chia sẻ kết thúc trong không khí hào hứng với nhiều phản hồi tích cực từ người tham dự. Đông đảo giảng viên tham gia cho biết, buổi chia sẻ kinh nghiệm này giúp họ không chỉ nắm được kỹ năng viết thuyết minh nghiên cứu hiệu quả mà còn được truyền cảm hứng để tiếp tục phát triển các dự án khoa học của mình trong hiện tại và tương lai./.
Hoàng Hải
BBT Website Trường Đại học Văn hóa TP.HCM