Đoàn xe của chúng tôi bắt đầu lăn bánh khi những vệt ban mai đầu tiên rắc mình qua khung cửa sổ. Chẳng rõ là rệu rã sau những ngày gồng mình hứng chịu mưa nắng, hay còn lưu luyến sau một đêm nức nở thanh âm, mà chặng về, chiếc xe di chuyển chậm chạp đến lạ lùng. Cũng trên chuyến xe ấy, trên đúng vị trí ngồi này, mà một tôi - của 2 hôm trước- đã có những lời thì thầm tự vấn rất vu vơ: “Ninh Thuận, ngoài những chênh chang nắng và ngột ngạt gió, thì còn gì là đặc sản?”, “Phước Trung, Bác Ái thì có gì vui tươi ngoài những đứa bé nhem nhuốc thậm chí không nói sành tiếng Việt?”, “Một chuyến đi nhàm chán, phí thời gian học tập!”… Ấy vậy mà, một tôi - của 2 hôm sau- lại ngồi đây với những dư vị xốn xang xen lẫn niềm tiếc nuối khôn nguôi về một xã Phước Trung, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận thấm đẫm tình người. Chúng tôi, những cô cậu sinh viên lớp ĐH.QLVH.12.1 vừa hoàn thành chương trình thực tế với xiết bao kỷ niệm tươi đẹp tại vùng đất chập chùng gió cát ấy!
Tập thể lớp ĐH. QLVH 12.1 chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo xã Phước Trung khi chương trình giao lưu văn nghệ kết thúc
Có một Phước Trung nắng gió, thấm đẫm tình người
Trẻ em ở Phước Trung
Ninh Thuận đón chúng tôi bằng hình ảnh những đứa trẻ mộc mạc vui đùa dưới nắng hanh, giữa ngoằn nghèo ngàn cung đường không tên. Đa số người dân xã Phước Trung còn khó khăn, nên một chiếc xe lớn vô tình băng qua cũng khiến những đứa trẻ tò mò, thích thú ùa theo. Đoàn chúng tôi, bao gồm thầy ThS-đạo diễn Hoàng Duẩn, cô ThS. Lê Hồng Khanh, cô ThS. Hoàng Nhung và tập thể lớp ĐH.QLVH 12.1 dừng chân tại UBND xã Phước Trung, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.
Thăm và tặng quà gia đình anh hùng lực lượng vũ trang Chamaléa Châu
Bước xuống xe với những xộc xệch quần áo trên người sau đêm dài không ngủ, đập vào mắt tôi là sự thoáng đãng đến bình lặng của vùng quê xa lạ, khác hẳn với những ồn ào cộ xe giữa bộn bề thành phố mà hằng ngày chúng tôi vẫn đối mặt. Từ đằng xa, những đứa trẻ ban nãy dần đuổi kịp đoàn chúng tôi. Sau lưng chúng, là những gà con, những lợn rừng, những chú chó gầy guộc,… như hiểu được niềm vui con người mà nhanh nhạy chạy theo. Tôi bất giác nở một nụ cười hiếm hoi từ lúc khởi hành - nụ cười chính là câu trả lời thỏa đáng nhất cho những lời tự vấn trong lòng. Và tôi - cũng như tất cả thành viên đoàn - đã trót yêu Phước Trung từ ấy!
Chúng tôi bắt đầu bày ra những đồ đạc để chuẩn bị cho chương trình buổi tối - như kế hoạch đã định. Mỗi người thực hiện từng nhiệm vụ đã được phân công từ trước. Chương trình làm việc đầu tiên của đoàn diễn ra từ 8h00, thầy Hoàng Duẩn hướng dẫn các bạn setup sân khấu, phông hậu, trong khi Lãnh đạo xã, hai cô giáo và một nhóm bạn đi thăm hỏi, động viên và tặng quà cho 5 hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Trong 5 hộ gia đình, có anh hùng lực lượng vũ trang Chamaléa Châu. Ông đã và đang phát huy vai trò anh hùng đi đầu trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ở xã Phước Trung.
Phụ trách nhóm Truyền thông, tôi có cơ hội tản bộ quanh khuôn viên UBND Xã, chụp những tấm ảnh và có thời gian tiếp xúc với những đứa trẻ đang nô đùa giữa gập ghềnh đường đi. Tôi trộm nghĩ: “Chắc hôm nay cuối tuần nên bọn trẻ có thời gian ra ngoài chơi, khác hẳn với trẻ em thành phố, đa phần chỉ ngồi nhà chơi game mỗi khi rảnh rỗi. Thật đáng trân quý!”. Ngờ đâu, khi hỏi chuyện, tôi mới ngã ngửa khi biết nhóm trẻ 10 đứa thì hết 6 đứa đã quá tuổi nhưng chưa một lần đến trường. Có ba yếu tố vẽ nên trong tôi ba dòng cảm xúc khác nhau: Thứ nhất, trẻ con ở đây đa số là người dân tộc Raglai và Chăm, nhưng rất sành sỏi tiếng Việt, không như đánh giá chủ quan của tôi lúc trước- khiến tôi thật sự cảm động khi khoảng cách giữa chúng tôi dường như được xóa bỏ. Thứ hai, tất cả trẻ em trong nhóm này đều trên 6 tuổi, nhưng trông đứa nào cũng như độ mẫu giáo, nhìn dáng vẻ gầy gò lấm lem giữa mưa nắng dãi dầu mà chợt tôi thấy rưng rưng lòng. Thứ ba, khi thấy tôi lấy ra một cuốn sách, bầy trẻ nhôn nhao mở ra xem, đứa thì bi bô đánh vần được vài chữ, đứa thì kéo tay áo tôi và lí nhí nói “Chú ơi, chỉ con đọc với”… Ấy vậy mới thấy trẻ con nơi này tuy khó khăn, nhưng luôn nuôi trong lòng ý thức học tập, vươn lên trước mọi hoàn cảnh.
Mặt trời cõng nắng hầm hập vào trưa. Chúng tôi chia nhóm quét dọn khuôn viên UBND nhằm chuẩn bị trò chơi tập thể cuối giờ chiều. Do thiếu trang thiết bị vệ sinh, một số bạn trong nhóm phải đến nhà người dân mượn tạm. Người dân nơi đây nồng hậu đón tiếp chúng tôi bằng nụ cười chân chất dung dị. Không tách trà nóng, không quần áo trang hoàng, chỉ có ly nước mát làm cầu nối giữa người với người, xua đi bầu không khí hừng hực như khánh kiệt sức lực của chúng tôi. Cô hàng nước còn nói vui: “Tụi con mang quà đến cho các bé, nên cô tặng tụi con chầu nước này cũng đâu có gì!”. Sự nhiệt tình vồn vã ấy khiến chúng tôi quên đi cảm giác mệt nhọc sau những giờ chạy đôn chạy đáo. Chúng tôi nhìn nhau như thầm nhủ sẽ cố gắng hết sức để mang những phần quà ý nghĩa nhất đến với đồng bào nơi đây.
Khi cánh nắng vàng dần vãn giữa liêu xiêu chiều cũng là lúc trò chơi tập thể diễn ra. Những đứa trẻ xem bé tẹo vậy mà thông minh lắm! Chỉ cần hướng dẫn sơ qua, chúng đã tỏ tường từng đường đi nước bước của luật chơi. Sinh hoạt cộng đồng vốn là nét đặc trưng của đồng bào nơi đây, nên những trò chơi tập thể thế này càng dễ dàng tạo hứng thú với bọn trẻ.
Có đứa chơi hay, có đứa chơi chưa tốt, có đứa thắng, có đứa thua. Nhưng dù kết quả thế nào, nụ cười vẫn luôn hiển hiện thơ đẹp trên bờ môi nhỏ, đặc biệt là khi những đứa trẻ được cầm trên tay những món quà ý nghĩa lúc trò chơi kết thúc. Điều ấy càng tiếp thêm động lực cho chúng tôi hoàn thành sứ mệnh đối với vùng đất này, không chỉ đơn thuần là một chương trình học tập ngoại khóa. Vừa xong phần trò chơi cả lớp lại được chạy chương trình dưới sự hướng dẫn của thầy Hoàng Duẩn, lần đầu tiên lớp làm “sự kiện” nên tất cả rối như tơ vò, lúng túng, ngơ ngác,..vì chưa từng trải bao giờ.
Đêm văn nghệ thắp lên một ngày mới
Chiều buông, đêm xuống. Mỗi chúng tôi thầm xin phép Phước Trung bình lặng cho mượn một đêm rộn rã lời ca tiếng nhạc. Chương trình giao lưu văn nghệ “Phước Trung- mảnh đất tình người” chính thức bắt đầu!
Tiết mục Nhảy hiện đại của sinh viên lớp ĐH. QLVH 12.1
Chỉ có 5 bóng đèn nhưng đến khi diễn đứt 3 bóng, còn lại 2, nhưng không làm cho sự say mê của các sinh viên giảm xuống
Những đứa trẻ theo chân cha mẹ đến tham gia đêm văn nghệ với tâm trạng phấn khích xen lẫn tò mò về những gì sắp diễn ra. Về phía đại biểu khách mời tại địa phương, gồm có đồng chí Chamaléa Thị Lánh - Bí thư Đảng ủy Xã Phước Trung, đồng chí Đào Văn Linh - Phó chủ tịch UBND Xã, đồng chí Tain Thị Nhít- Bí thư Xã đoàn, cũng như toàn thể người dân xã Phước Trung đến chung vui đêm văn nghệ. Về phía đại diện Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật trường ĐH Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, gồm có ThS. Đạo diễn Hoàng Duẩn, ThS. Lê Hồng Khanh, ThS. Hoàng Thị Nhung - giảng viên Khoa QLVH,NT giáo viên chủ nhiệm lớp ĐH. QLVH.12.1, và toàn thể sinh viên lớp ĐH.QLVH 12.1.
ThS. Đạo diễn Hoàng Duẩn tặng hoa cho ông Đào Văn Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Trung
Đêm văn nghệ với phần dàn dựng tâm huyết từ tập thể sinh viên lớp QLVH.12.1, với các ca khúc được chọn lựa kỹ lưỡng nhằm mang đến buổi giao lưu vừa hiện đại, vừa đậm đà bản sắc dân tộc, thông qua các loại hình múa tập thể, đơn ca, song ca,… được thể hiện đan xen bởi các sinh viên lớp ĐH.QLVH 12.1 cùng sự góp mặt của chính những người dân yêu thích nghệ thuật từ địa phương, như anh Chamalé Ngoéo và Chamalé Thị Loan,… đã mang đến bầu không khí nhiệt huyết, sôi động, ấm cúng và vô cùng ý nghĩa trong một đêm tháng tư gắn liền với những trang hùng thiêng quốc sử rực lửa của toàn thể dân tộc Việt Nam.
ThS. Hoàng Thị Nhung - GVCN/CVHT lớp ĐH. QLVH.12.1 phát biểu
Song song với hoạt động văn nghệ, tập thể lớp ĐH. QLVH 12.1. cũng đã trao tặng 80 phần quà cho các em học sinh nghèo vượt khó, 10 suất học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó có thành tích xuất sắc trong học tập và 45 phần quà cho các hộ nghèo, gia đình chính sách tại địa phương.
Tại buổi giao lưu, ông Đào Văn Linh, Phó chủ tịch UBND Xã Phước Trung xúc động chia sẻ: “Những phần quà mà các bạn sinh viên trao tặng đã tiếp thêm một phần động lực giúp trẻ em nơi đây vững bước hơn trên con đường xây dựng tương lai tươi sáng, cũng như giúp các hộ gia đình chính sách tại địa phương thêm phần ổn định hơn trong cuộc sống, từ đó giúp cho dân trí ngày một đi lên, góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.”
ThS. Đạo diễn Hoàng Duẩn trao tặng các suất quà, học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó
Tập thể lớp ĐH. QLVH.12.1 liên hoan sau chương trình giao lưu văn nghệ
Đêm giao lưu văn hóa văn nghệ tại xã Phước Trung diễn ra thành công tốt đẹp.
Khán giả đón xem chương trình
Lời cám ơn và tạm biệt…
Tôi cần thêm nữa những khoảng lặng để gom nhặt từng suy tư còn đọng lại sau chuyến điền dã này. Chiếc xe cứ thế lăn bánh, chầm chậm, chầm chậm nhưng trớ trêu lại bắt kịp rồi vượt xa dòng cảm xúc trong tâm khảm tôi.
Xin chân thành cám ơn tập thể ĐH. QLVH.12.1 đã chung một tấm lòng làm nên sự thành công ý nghĩa của chuyến đi. Cám ơn thầy Hoàng Duẩn, cô Hoàng Nhung, cô Hồng Khanh và anh Như Ý – lớp ĐH. TCHĐVHNT 10.3 đã đồng hành, tận tình hướng dẫn tập thể lớp xuyên suốt quá trình chuẩn bị, tổ chức chương trình. Và đặc biệt, xin gửi lời cám ơn sâu sắc nhất đến với Lãnh đạo, người dân xã Phước Trung, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận đã cho những sinh viên chúng tôi có cơ hội được tiếp xúc, giao lưu để thấu cảm và chia sẻ những khó khăn còn tồn tại nơi đây. Từ đó, phần nào giúp chúng tôi hiểu ra trách nhiệm của toàn thể thế hệ sinh viên Việt Nam nói chung và sinh viên theo học ngành Quản lý văn hóa nói riêng, nhằm hoàn thiện bản thân hơn để mai sau tiếp bước thế hệ cha ông trước công cuộc xây dựng, phát triển nước nhà ngày một giàu mạnh hơn, nhưng vẫn luôn gìn giữ, phát huy những các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc từ trong tiềm thức.
Hẹn một ngày không xa sẽ về thăm lại mảnh đất tình người chân phương này!
Bài cảm nhận
Lê Phan Hiếu Anh
Ảnh: ĐH QLVH 12.1-HCD