VHSO - Sáng ngày 27/11, tại phòng Hội thảo, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (Số 51 Quốc Hương, phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức), Khoa Xuất bản, phát hành đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản tại Việt Nam”. Tọa đàm có sự tham gia của các nhà nghiên cứu; nhà quản lý; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh xuất bản, kinh doanh xuất bản phẩm; thầy cô giáo; cựu sinh viên và sinh viên khoa Xuất bản, phát hành.

Một góc tọa đàm khoa học “Chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản tại Việt Nam”.

Chia sẻ về mục đích của tọa đàm, ThS. Thái Thu Hoài, Phó Trưởng khoa Xuất bản, phát hành cho biết: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số đối với sự phát triển của ngành xuất bản có những tác động tích cực, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu, tiêu chuẩn mới đối với nguồn lực tham gia vào ngành xuất bản. Trong những vấn đề được các tổ chức, đơn vị bàn bạc thảo luận, trao đổi, chia sẻ trong những diễn đàn về chuyển đổi số trong thời gian vừa qua, các nhà khoa học cũng đã đưa ra những nhận định cho rằng ba yếu tố quyết định thành bại của chuyển đổi số là con người, chính sách và công nghệ. Về con người, tất cả nhân lực trong ngành xuất bản phải có nhận thức rõ về chuyển đổi số, cùng với hiểu biết và kỹ năng, từ đó tạo ra động lực và quyết tâm của mình để tham gia vào hoạt động xuất bản, thay đổi ngành xuất bản, khi có động lực rồi thì đổi mới sáng tạo dựa vào kết nối,…Chính vì vậy, trong tiến trình phát triển, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực xuất bản cũng cần được định vị với hệ tiêu chuẩn, yêu cầu cụ thể đáp ứng sự phát triển chung ngành…và tọa đàm “Chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản tại Việt Nam” là diễn đàn để Khoa Xuất bản, phát hành có cơ sở thực hiện điều chỉnh, cải tiến chương trình đào tạo phù hợp với quy định và yêu cầu của sự phát triển hoạt động Kinh doanh xuất bản phẩm.

Chủ tọa điều hành tọa đàm “Chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản tại Việt Nam” sáng 27/11.

Tọa đàm khoa học “Chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản tại Việt Nam” nhằm nhận diện xu hướng mới và đánh giá thực tiễn chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở đó, thực hiện điều chỉnh, cải tiến chương trình đào tạo phù hợp với quy định và yêu cầu của sự phát triển hoạt động Kinh doanh xuất bản phẩm trong bối cảnh chuyển đổi số, nhằm góp phần tạo ra một “nguồn nhân lực số” đáp ứng yêu cầu thực tiễn nghề nghiệp. Cùng với những nội dung mang tính học thuật trong nhà trường và những yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ nhân sự trong thực tế của các doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, buổi tọa đàm cũng hướng tới cơ hội hợp tác giữa nhà trường với các doanh nghiệp của ngành, đặc biệt là các đơn vị tiêu biểu trong vấn đề chuyển đổi số, để cùng nhà trường đào tạo nguồn nhân lực kinh doanh xuất bản phẩm theo định hướng ứng dụng, đáp ứng nhu cầu xã hội và đảm bảo theo những yêu cầu về chuẩn chương trình đào tạo được đặt trong bối cảnh chuyển đổi số xuất bản ở Việt Nam hiện nay và tương lai.

ThS. Thái Thu Hoài, Phó Trưởng khoa Xuất bản, phát hành trình bày báo cáo đề dẫn khai mạc tọa đàm “Chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản tại Việt Nam”.

Trong những năm gần đây, ngành xuất bản đã nỗ lực đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số. Từ năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã giao Cục Xuất bản, In và Phát hành xây dựng chiến lược phát triển của ngành. Trong đó, chuyển đổi số trở thành một trong bảy giải pháp trọng tâm của ngành xuất bản. Cục Xuất bản đã xây dựng lộ trình kế hoạch chuyển đổi số của ngành và yêu cầu mỗi đơn vị xuất bản xây dựng lộ trình chuyển đổi số riêng. Theo đó, hoạt động chuyển đổi số của các đơn vị trong ngành đã có những phát triển tích cực thể hiện qua các hoạt động giới thiệu, phát hành sách trên không gian mạng, trên các sàn thương mại điện tử hay hoạt động xuất bản điện tử. Xuất bản điện tử đã và đang trở thành một mũi nhọn thúc đẩy sự phát triển của ngành, có thể thấy rõ nhất qua sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng xuất bản phẩm điện tử. Nếu như cách đây 9 năm (năm 2015) toàn quốc mới có hơn 1 nghìn đầu sách điện tử được xuất bản, thì đến năm 2022, toàn ngành có 3.200 đầu sách và năm 2023 là 4.600 đầu sách điện tử được xuất bản. Số lượt nghe sách nói năm 2023 đạt 40 triệu lượt, tăng 25% so với năm 2022…

Ông Lê Thạch, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ WeWe phát biểu tại tọa đàm.

Tọa đàm khoa học “Chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản tại Việt Nam” xoay quanh các nội dung: Những quy định, cơ chế, chính sách của Nhà nước về chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản; Những cơ hội, thách thức và xu hướng chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản; Vấn đề thực tiễn chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản hiện nay tại Việt Nam thông qua hoạt động của một số đơn vị điển hình và những yêu cầu đặt ra đối với công tác đào tạo ngành Kinh doanh xuất bản phẩm trong xu thế chuyển đổi số hiện nay.

Đông đảo đại biểu khách mời và sinh viên tham dự tọa đàm “Chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản tại Việt Nam”

Tại buổi tọa đàm khoa học sáng 27/11, Ban Tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp trực tiếp rất tâm huyết từ các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà tuyển dụng, doanh nghiệp, giảng viên, cựu sinh viên và sinh viên. Đây là cơ sở để khoa Xuất bản, phát hành và Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá những vấn đề lý luận và thực tiễn trong đào tạo ngành Kinh doanh xuất bản phẩm từ nhiều góc nhìn khác nhau, từ đó giúp khoa Xuất bản, phát hành từng bước cải tiến chất lượng chương trình đào tạo, đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu xã hội và các bên liên quan trong việc đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực kinh doanh xuất bản phẩm phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay./.

Tin và ảnh: Hoàng Hải

BBT Website Trường Đại học Văn hóa TP. HCM

Share:

Tags: Law, Juggement, lawyer, Cases