VHSO - Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh là một cơ sở đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực di sản văn hóa, bảo tàng học và quản lý văn hóa về di sản văn hóa từ rất sớm (năm 1977) với các chuyên ngành: Bảo tồn Bảo tàng và Bảo quản hiện vật bảo tàng; Quản lý Di sản văn hóa. Nhân dịp kỷ niệm 79 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh đầu tiên về việc bảo tồn Di sản văn hóa dân tộc - Sắc lệnh số 65/SL (23/11/1945 - 23/11/2024) và kỷ niệm 19 năm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), xin gửi đến quý bạn đọc sự kiện lịch sử và ý nghĩa này.

Sắc lệnh 65 ngày 23/11/1945 - Sắc lệnh đầu tiên về bảo tồn di sản văn hóa. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bộ VH,TT&DL.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, Người khẳng định: “Di sản văn hóa dân tộc là vốn quý, là bệ đỡ cho nền văn hóa dân tộc”. Sau ngày đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, chưa đầy 3 tháng sau, vào ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL về bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, quy định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện là bảo tồn cổ vật, di tích trong toàn cõi Việt Nam. Nội dung Sắc lệnh 65 tuy ngắn gọn nhưng súc tích, phản ánh những tư tưởng, quan điểm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc bảo tồn di sản văn hóa, khẳng định việc bảo tồn cổ vật, di tích “là công việc rất quan trọng và rất cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”. Cho đến ngày nay, Sắc lệnh 65 vẫn giữ nguyên tính lý luận và thực tiễn, soi sáng cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của quốc gia, dân tộc.

Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương trong một lần ghé thăm trường và tham quan phòng trưng bày các hiện vật bảo tàng tại Phòng Truyền thống của Trường năm 2023.

Với ý nghĩa đó, ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc lấy ngày 23/11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”, mục đích để phát huy truyền thống, ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam; động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Đây cũng là dịp để khơi gợi, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân. Kế thừa và tiếp nối quan điểm về di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 24/11/2021, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển. Vì vậy, để xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển các giá trị di sản văn hóa của dân tộc chúng ta phải phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước”.

Hội thảo “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong bối cảnh hiện nay” do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp cùng với Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh tổ chức trong 02 ngày 15 và 16/8/2022.

Di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở Việt Nam. Trong đó, di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác. Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

Đông đảo các nghệ nhân ưu tú, các thanh đồng, đạo quan, thủ nhang, đồng đền, đến từ ba miền Bắc, Trung, Nam tham dự Hội thảo “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong bối cảnh hiện nay” tại Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022.

Theo thống kê của Cục Di sản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tính đến giữa năm 2024, trên toàn quốc có hơn 40.000 di tích, trong đó có 8 Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận, 130 di tích quốc gia đặc biệt, 3.621 di tích quốc gia, hơn 10.000 di tích cấp tỉnh. Về di sản văn hóa phi vật thể, có khoảng 70.000 di sản đã được kiểm kê trên địa bàn cả nước, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp; 9 di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới của UNESCO; 498 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 265 hiện vật, nhóm hiện vật đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia. Đặc biệt, Quần thể danh thắng Tràng An hiện là di sản hỗn hợp thế giới duy nhất không chỉ ở Việt Nam mà cả khu vực Đông Nam Á./.

Hoàng Hải

BBT Website Trường Đại học Văn hóa TP.HCM

(Sưu tầm và tổng hợp)

Share:

Tags: Law, Juggement, lawyer, Cases